Chất thải từ công nghiệp là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Không chỉ là không khí, môi trường nước, môi trường đất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các nhà máy, xí nghiệp trong đó chất thải công nghiệp nặng được đánh giá là chứa nhiều chất ô nhiễm nhất. Cần có các giải pháp kịp thời để giảm thiểu tác hại từ vấn đề công nghiệp nặng gây ô nhiễm.
Công nghiệp nặng là gì?
Công nghiệp nặng được xem là một phần không thể thiếu trong sự phát triển công nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế quốc gia nói chung. Xét về mặt kinh tế, có thể thấy, hầu hết các tập đoàn, công ty lớn hiện nay đều hoạt động với các sản phẩm thuộc công nghiệp nặng, đây hầu hết là các ngành có tính chất nặng, sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau với công nghệ sản xuất phức tạp.
Song song với lợi ích, các ngành công nghiệp nặng sản sinh lượng lớn chất thải gây nguy hại cho môi trường
Ảnh hưởng của công nghiệp nặng đến môi trường
Đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế quốc gia, đẩy mạnh sản xuất các ngành hàng xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, nâng cao sản xuất lao động. Đó là 5 vai trò quan trọng nhất mà công nghiệp nặng mang đến cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, song song với đó, chúng ta đều cần nhìn nhận khách quan một nhược điểm đặc biệt lớn của ngành sản xuất này đó là gây ô nhiễm môi trường. Nếu như các nhà máy trong nhóm công nghiệp nặng mang lại nguồn kinh tế lớn nhất thì các chất thải mà chúng tạo ra cũng thuộc top 1.
Ở nước ta, thực trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp do hoạt động sản xuất từ các ngành công nghiệp gây ra vẫn là một bài toán khó và chưa có giải pháp xử lý hoàn chỉnh. Với số liệu thống kê năm 2015, khi cả nước có 130 khu công nghiệp và chế xuất hoạt động, phân bổ đều trên 45 tỉnh, thành phố đã tác động rất lớn đến môi trường, hệ sinh thải cũng như con người. Không chỉ riêng các ngành công nghiệp nặng, hầu hết hoạt động công nghiệp đều tác động đến môi trường nước, đất và không khí.
Số liệu khảo sát thực tế tại Hà Nội cho biết, nước thải công nghiệp tại thành phố này ở mức 85.000 đến 90.000 m3/ngày/ đêm với một số điểm xả có nồng độ chất ô nhiễm đạt ngưỡng BOD5 từ 50 đến 190 mg/l; NH4+ từ 3 đến 25 mg/l và COD từ 90-495 mg/l; tuy nhiên, chúng hầu hết chỉ được xử lý sơ bộ. Xét về ô nhiễm khí thải; có tới 70.541,716 nghìn tấn CO2; 585,510 nghìn tấn CH4; 1.540,317 nghìn tấn CO; 1,116 nghìn tấn N2O và 28,527 nghìn tấn NOx được tạo ra trong năm 2002 (Theo Tổng cục thống kê). Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố có bầu không khí ô nhiễm lớn nhất cả nước với các chỉ số ô nhiễm bụi tại khu công nghiệp đáng báo động.
Chúng ta có quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn hơn
Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp hay công nghiệp nặng đó là do hệ thống xử lý nước thải, xử lý khí thải còn lạc hậu, chưa ứng dụng kịp thời các công nghệ xử lý tiên tiến nhất trong khi đó lượng rác tải được tạo ra có chỉ số liên tục tăng.
5 ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm hàng đầu
Không có ngành sản xuất nào là không tạo ra chất thải. Đây là thực tế mà chúng ta phải công nhận. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp điển hình đã tạo ra lượng chất thải quá lớn, có sự tác động nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người cũng như các loài động vật, thực vật đang sinh sống.
Khai thác và làm giàu quặng
Khai thác than không chỉ tạo ra bụi mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nước
Trên trang khcncongthuong.vn có đăng tải một bài viết với tiêu đề “Kết quả nhiệm vụ KHCN” với khẳng định “Khai thác và chế biến đất hiếm tiền ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do quặng có chứa các chất phóng xạ và việc chế biến phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại”. Không chỉ riêng với hoạt động khai thác đất hiếm, đa số nhà máy khai thác và làm giàu quặng đều tạo ra một lượng lớn chất thải. Rõ ràng, song song với nguồn lợi rất lớn mà hoạt động khai thác quặng mang lại, chúng ta cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm gia tăng.
Luyện kim
Tù việc nung nóng, đóng khuôn cho đến hoàn thiện sản phẩm, các quy trình trong nhà máy luyện kim đều sản sinh ra chất gây ô nhiễm. Điều đáng lo ngại hơn là hầu hết chất thải từ ngành này đều là kim loại nặng- chất được cảnh báo gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe con người, nghiêm trọng hơn đó là tác động đến trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước.
Sản xuất điện
Một ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường không thể không nhắc tới đó là sản xuất điện. Hiện nay, chúng ta có nhiều công nghệ sản xuất điện khác nhau như thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí và diezen; điện Mặt trời. Nếu như thủy điện không gây ô nhiễm môi trường không khí thì chúng lại tạo ra các vấn đề về biến đổi sinh thái nước. Ngành nhiệt điện sử dụng than làm nhiên liệu chính, tiêu thụ khoảng 480.000 tấn than, tạo ra 6.713 tấn SO2, 2.724 tấn NOx, 277×130 tấn CO2, 1491 tấn bụi trong năm 1993 (TS Phạm Ngọc Đăng). Với lượng chất thải này, chúng ta có thể hình dung về một môi trường không khí đặc biệt ô nhiễm.
SO2, CO2, bụi, NOx là 4 sản phẩm chính sinh ra từ các nhà mát nhiệt điện
Sản xuất hóa chất
Việt Nam là quốc gia không đẩy mạnh ngành sản xuất hóa chất. Tuy nhiên, với một lượng nhà máy hóa chất nhỏ tập trung ở khu vực phía Nam, các chuyên gia về môi trường cũng đưa ra cảnh báo về ô nhiễm. Tùy theo sản phẩm được tạo ra mà chất thải từ nhà máy hóa chất là khác nhau. Nếu như nhà máy sản xuất acide sunfuric tạo ra SO2 thì công nghệ điện phân muối ăn lại tạo khí clo là chủ yếu.
Sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật
Là một quốc gia đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng phát triển các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm chính từ hoạt động sản xuất này là bụi, khí SO2, fluo, NH3, CO2. Đây đều là các chất có sự tác động mạnh đến môi trường không khí.
Mang lại ý nghĩa lớn trong sản xuất nông nghiệp nhưng ngành sản xuất phân bón lại thuộc top 5 ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Ngoài 5 ngành trên, trong đề án “Kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng liệt kê thêm 11 ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm lớn khác. Chúng bao gồm: Ngành nhuộm, ngành thuộc da, lọc hóa dầu, chế biến thủy sản, sản xuất giấy, khí hóa than, xử lý và tái chế chất thải, điện hạt nhân, xi mạ, sản xuất pin, sản xuất clinker, chế biến mủ cao su, chế biến đường, chế biến tinh bột sắn. Cũng theo đề án này cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực tế đối với từng ngành sản xuất, yêu cầu được thực hiện nghiêm chỉnh và đúng quy trình để giảm thiểu và phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đối với môi trường cũng như con người, khi thực trạng ô nhiễm ngày càng tăng cao, rất nhiều hệ lụy khác nhau được tạo ra tuy nhiên giải pháp xử lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên hết, chúng ta cần đến ý thức của doanh nghiệp, chỉ khi doanh nghiệp thực sự coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, khi đó, chính sách, quy định cũng như phương pháp xử lý chất thải mới thực sự mang lại hiệu quả.